Trang chủ 9 Chính sách 9 Phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, mở rộng thị trường, liên kết để tiêu thụ đầu ra… đang là mục tiêu được huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) hướng tới. Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực, giúp nông dân tăng thu nhập, nhân rộng những mô hình sản xuất chất lượng cao, giá trị lớn, bền vững.

Là địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thủ đô, huyện Đan Phượng vận động thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, tạo dựng những tuyến đường hoa, cây xanh, đầu tư khoa học – kỹ thuật vào sản xuất giúp nông dân, nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập…

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Được đánh giá là một trong những điểm sáng về nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ 4.0, HTX rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng) do bà Đặng Thị Cuối làm giám đốc đang là địa chỉ cung ứng rau sạch hàng đầu cho thị trường Hà Nội.

Mô hình rau hữu cơ công nghệ cao của HTX Cuối Quý.

Trước đây, ông Trần Văn Sỹ (xã Đan Phượng) có 5 sào rau màu, quanh năm làm kinh tế nuôi gia đình. Tuy nhiên, do rau được canh tác theo phương pháp truyền thống sử dụng phân thuốc hóa học quá nhiều nên chất lượng không cao và giá bán thấp.

Hơn 3 năm qua, nhờ sự giúp đỡ của HTX Cuối Quý và nguồn vốn hỗ trợ từ huyện, ông đã xây dựng nhà màng lưới, có hệ thống tưới phun tự động, phục vụ trồng rau theo hướng an toàn, sử dụng phân hữu cơ và men vi sinh.

Ông Sỹ khẳng định, trồng rau trong nhà màng không chỉ mang lại năng suất gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống, mà việc ứng dụng công nghệ cao còn đảm bảo được chất lượng cho sản phẩm.

Với cách làm này sẽ tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong quá trình canh tác, giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng thu nhập.

Theo bà Cuối, hầu hết các sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp, đơn vị đặt mua ngay tại vườn với giá ổn định. Mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2-4 tấn rau như su hào, súp lơ, cà chua, bông hẹ… cho các khu chung cư, tập thể và 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố.

Cũng tiên phong trong việc gắn nông nghiệp hữu cơ với ứng dụng công nghệ cao, HTX nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng) đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư dây chuyền trồng nấm hiện đại theo quy trình VietGAP trên diện tích gần 8.000 m2.

Giám đốc HTX Nghĩa Minh Trần Sỹ Hùng cho hay, nấm được trồng trong môi trường sản xuất ứng dụng công nghệ cao hoàn toàn không dùng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia, kể cả trong quá trình đóng gói sản phẩm.

Hiện nay, HTX có thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/năm từ sản xuất nấm; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 18 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ kiểm soát chặt chẽ về quy trình và chất lượng, nhiều năm nay, sản phẩm nấm sạch công nghệ cao của HTX Nghĩa Minh đã có thương hiệu trên thị trường. HTX trở thành đối tác uy tín cung cấp nông sản sạch cho các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Thủ đô.

Hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt chia sẻ, trong chương trình sản xuất nông nghiệp nhiều năm nay, đặc biệt năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận và chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật giúp bà con nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ.

Đơn cử, với mô hình trồng rau sạch, huyện hướng dẫn các mô hình bẫy bả chua ngọt diệt trừ sâu khoang, màng phủ passline,… trên các loại cây trồng, đảm bảo cho việc sản xuất được an toàn ngay từ những ngày đầu vụ.

Đồng thời, hướng dẫn nông dân, các HTX trồng rau phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5 không (không sử dụng phân bón hóa học, không dùng chất biến đổi gen, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không dùng các loại thuốc diệt cỏ và không dùng thuốc trừ sâu hóa học).

Ngoài 2 mô hình điểm như HTX Cuối Quý và HTX nấm Nghĩa Minh nêu trên, Đan Phượng còn có những mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao như hoa lan Đan Hoài, bưởi tôm vàng Đan Phượng, thịt lợn an toàn sinh học Trung Châu, hoa Đan Phượng, chăn nuôi Phương Đình,…

Định hướng của huyện sẽ tập trung quy hoạch phát triển những thương hiệu này theo hướng an toàn, có liên kết đầu ra. Các đơn vị sản xuất sạch, an toàn sẽ được huyện hỗ trợ kiểm tra mẫu đất, mẫu nước, giống, phân bón, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, gắn tem, nhãn mác.

Hiện nay, huyện Đan Phượng đã có trên 50 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và cũng đang đẩy mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trải nghiệm, điển hình là điểm đến thuộc xã Hạ Mỗ và khu sinh thái Đan Phượng mới được TP Hà Nội công nhận.

Trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp Đan Phượng tại thị trường trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc đẩy mạnh, duy trì chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tránh bị đứt gãy đã có ý nghĩa không chỉ với Đan Phượng, mà còn với thị trường Thủ đô Hà Nội.

Ông Đạt cho biết: Từ ngày 6/9/2021 đến nay, các vùng nông nghiệp của Đan Phượng vẫn đang tiếp tục sản xuất và thu hoạch rau củ quả trên diện tích 177,5ha với 1.150 tấn; thu hoạch trái cây trên diện tích 79,5ha với 1.132 tấn hoa quả, cung cấp ra thị trường đạt bình quân gần 50 tấn rau/ngày.

Huyện tiếp tục duy trì tổng đàn lợn 97.000 con, trong đó lợn thương phẩm gần 51.000 con; đàn gia cầm đạt 243.000 con. Với việc nối lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới, Đan Phượng đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường Thủ đô.

“Tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn công nghệ cao ở huyện Đan Phượng là rất lớn. Thời gian tới, huyện kiến nghị với Thành phố tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế đất đai, hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại vùng sản xuất nông nghiệp sạch chuyên canh tập trung và các đơn vị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Đạt nói.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cũng có thể đọc thêm:

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng rau ứng...

Vốn chính sách giúp nông dân Đan Phượng làm giàu

Những năm qua, nông dân Đan Phượng đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Một trong những bệ đỡ để các mô hình này phát triển bền vững phải kể tới đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng vốn chính sách không chỉ giúp nông...

Vốn chính sách giúp nông dân Đan Phượng làm giàu

Những năm qua, nông dân Đan Phượng đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Một trong những bệ đỡ để các mô hình này phát triển bền vững phải kể tới đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng vốn chính sách không chỉ giúp nông...

Vốn chính sách giúp nông dân Đan Phượng làm giàu

Những năm qua, nông dân Đan Phượng đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Một trong những bệ đỡ để các mô hình này phát triển bền vững phải kể tới đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng vốn chính sách không chỉ giúp nông...

Nông nghiệp công nghệ cao và canh tác hữu cơ tại Đan Phượng

Nông nghiệp công nghệ cao và canh tác hữu cơ tại Đan Phượng đang phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như hệ thống tưới tiêu tự động, nhà màng và kiểm soát dinh dưỡng, các sản phẩm nông...

Liên hệ