Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của HTX Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội.
Giám đốc HTX Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý Đặng Thị Cuối cho biết: Trung bình mỗi ngày, HTX thu hoạch từ 2 đến 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg; giá trị thu nhập bình quân của hợp tác xã đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; trung bình thu nhập của mỗi thành viên tham gia hợp tác xã đạt từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. HTX Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý là 1 trong 30 dự án nông nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức năm 2018.
Ông Trần Văn Thắng (xã Thọ An) lựa chọn mô hình nuôi bò thịt và trùn quế. Mô hình chăn nuôi của ông Thắng áp dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Ông Thắng chia sẻ, hiện gia đình ông nuôi khoảng 500 con bò thịt và khu nuôi trùn quế, mỗi năm, gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng. Khu chăn nuôi của gia đình được xây dựng với hệ thống xử lý môi trường bảo đảm an toàn cho chăn nuôi…
Những mô hình hiệu quả trên đều là kết quả tích cực từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Đan Phượng.
Ông Thiều Văn Son – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết: Giai đoạn 2019-2021, toàn huyện đã có 38.515 lượt hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất – kinh doanh giỏi từ cấp trung ương đến thành phố, huyện và cơ sở. Nhờ vậy, hội viên, nông dân đã chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau phát triển các mô hình kinh tế.
Nhiều mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình VAC tại Tân Hội, Tân Lập; mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân; mô hình trồng lan tại xã Thọ An, Đan Phượng; mô hình trồng nho hạ đen ở xã Phương Đình; mô hình nuôi gà, lợn tại xã Trung Châu; mô hình trồng Bưởi VietGAP xã Tân Lập…
Theo ông Son, điểm chung của các mô hình trên là có sự liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp), qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh cho các hộ nông dân.
Đời sống nông dân ngày một nâng cao
Để phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có sức lan toả, Hội Nông dân huyện đã chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, vật tư, tạo việc làm, động viên, khuyến khích các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân.
Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các công ty, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi Thú y… tổ chức 200 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về nông nghiệp.
Trong 10 tháng đầu năm 2021 Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng dự án và giải ngân được 25 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 8,650 triệu đồng cho 400 hộ hội viên vay phát triển sản xuất, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn toàn huyện là 25 tỷ đồng.
Hội tín chấp vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội qua 79 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 2.787 hộ vay với số tiền trên 112 tỷ đồng; tín chấp vay vốn Ngân hàng NN&PTNT qua 43 tổ liên kết cho 486 hộ vay với số tiền trên 43 tỷ đồng.
Thông qua các nguồn vốn đó đã giúp hàng ngàn hộ có việc làm, nâng cao thu nhập, hàng trăm hộ thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện trên 65 triệu đồng/người/năm.
Mặt khác, nhận thức được vai trò của khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân, Hội Nông dân huyện đã chủ động tuyên truyền đến với đông đảo cán bộ, hội viên về các thành tựu, các mô hình hay, mới, các gương điển hình tiên tiến về ứng dụng khoa học và công nghệ thành công trong phát triển kinh tế hộ, trang trại. Đồng thời tổ chức các đợt tham quan cho cán bộ, hội viên nông dân ở cơ sở đi học tập, trao đổi kinh nghiệm với nông dân trong TP và các tỉnh lân cận.
Đánh giá về hoạt động của các cấp Hội Nông dân huyện Đan Phượng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng nhận xét: Trong 3 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành nòng cốt giúp địa bàn toàn huyện chuyển đổi được gần 300ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất chất lượng cao, hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là những mô hình nhỏ của cá nhân, hội viên nông dân đã góp phần nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, liên kết theo chuỗi trên địa bàn.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển đổi, đầu tư hạ tầng, xây dựng vùng nông nghiệp quy mô lớn. Các mô hình nông nghiệp của Đan Phượng phải là những mô hình nông nghiệp thân thiện, bảo vệ môi trường và xây dựng Đan Phượng thành huyện nông thôn mới nâng cao…”, ông Nguyễn Hữu Hoàng nhấn mạnh.
0 Lời bình